Cảnh báo: Nhận biết thủ đoạn lừa đảo qua App điện thoại

Cao Lương Mạnh Toàn 15/09/2021 8 phút đọc

 

Hiện nay có hàng loạt những ứng dụng (App) trên điện thoại trôi nổi và không rõ nguồn gốc. Khi cài đặt, người dùng cần phải cẩn thận để không cài đặt những App/ phần mềm độc hại vào điện thoại. Đôi khi những ứng dụng trôi nổi không rõ nguồn gốc chính là công cụ của những kẻ lừa đảo. Tiếp tục chuỗi bài viết phòng tránh lừa đảo qua mạng, Mắt Bão xin cảnh báo đến người dùng về thủ đoạn lừa đảo qua App điện thoại.

Nhìn chung, những ứng dụng lừa đảo đều đánh vào tâm lý “việc nhẹ, lương cao” của người dùng. Và mô hình hoạt động những ứng dụng với mác: “kiếm tiền online thật dễ dàng”, “đầu tư một vốn bốn lời”, v.v.

Để nhận biết thủ đoạn lừa đảo qua App điện thoại không hề khó. Người dùng nên chú ý về nội dung, nguồn gốc website cũng như nên sáng suốt nhận thức rằng mình có bị đưa vào hình thức đa cấp hay không.

Dấu hiệu lừa đảo qua App điên thoại #1: Không có trên kho ứng dụng

Các ứng dụng bị tố là lừa đảo, thường không được xuất hiện trên các kho ứng dụng hoặc CH Play. Đây là dấu hiệu đầu tiên để người dùng dễ nhận biết nhất.

Để cài, người dùng được yêu cầu tải về file .apk với máy Android. Hoặc sử dụng một cấu hình riêng trên iOS để cài đặt ứng dụng lên iPhone. Một số kẻ lừa đảo còn bổ sung phiên bản web để người dùng sử dụng.

Chưa kể về tính bảo mật, việc cài đặt file từ bên ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ dính mã độc cho thiết bị. Theo các chuyên gia, các ứng dụng lừa đảo thường không thể đưa lên kho ứng dụng vì vi phạm chính sách. Do đó, khi người dùng tải một ứng dụng không chính thống luôn tồn tại nhiều nguy cơ gây hại.

Đôi khi các kho ứng dụng sẽ chặn những App không rõ nguồn gốc

Dấu hiệu lừa đảo qua App điên thoại #2: Phương thức nạp tiền thủ công

Nhìn chung thủ đoạn lừa đảo qua App điện thoại sẽ yêu cầu nạp tiền để giao dịch hoặc thực hiện nhiệm vụ. Và các cách thức nạp tiền này sẽ vô cùng thủ công. Thay vì có các công cụ nạp/rút tiền tích hợp, người dùng thường được yêu cầu chuyển khoản đến một số tài khoản cá nhân của “chủ sàn giao dịch”.

Với phương thức này, người dùng có thể mất tiền nếu sai cú pháp. Ngoài ra, trong trường hợp bị lừa, việc truy tìm các tài khoản cá nhân trên cũng sẽ gặp khó khăn. Bởi đa số các kẻ lừa đảo hiện nay luôn lợi dụng kẽ hở của ngân hàng để tạo tài khoản mạo danh.

Dấu hiệu lừa đảo qua App điên thoại #3: Mô hình đa cấp

Với đa số các ứng dụng lừa đảo theo hình thức đa cấp, người dùng không thể tự tạo tài khoản. Khi sử dụng đều cần có mã giới thiệu từ người khác. Người giới thiệu (F0) cũng được ưu đãi hoặc nhận hoa hồng từ số tiền nạp của người được giới thiệu (F1). Một số ứng dụng còn cho phép nhận thưởng từ số tiền của người dùng F4, F5.

Các ứng dụng lừa đảo thường sử dụng mô hình đa cấp này để phát triển người dùng. Đồng thời hứa hẹn nếu giới thiệu được nhiều người, sẽ có càng nhiều tiền mà không cần làm gì. Đây cũng là một trong những dấu hiệu lừa đảo, bởi thực tế hệ thống không tạo ra giá trị mà sẽ dùng tiền của người sau trả cho người trước. Khi kéo dài sẽ dẫn đến “sập sàn”, như trường hợp của các sàn lừa đảo như: Coolcat, Pchome,…

Người dùng được hứa hẹn có thu nhập cao với Coolcat.
Người dùng được hứa hẹn có thu nhập cao với Coolcat. 

Dấu hiệu lừa đảo qua App điên thoại #4: Chỉ cần chọn “lên” hay “xuống”

Đa số lừa đảo qua App điện thoại thông qua mô hình đa cấp đều sử dụng tính biến động thị trường để lấy niềm tin người dùng. Đó có thể biểu đồ giá của một số mặt hàng như: Bitcoin, vàng, ngoại tệ… Từ đó để người chơi dự đoán được mức đầu tư của mình.

Giao diện của các App này tương tự như của các sàn chứng khoán hay tiền điện tử. Nhưng thực tế, người dùng chỉ cần đưa ra hai lựa chọn “tăng” hoặc “giảm”. Kết quả sẽ được công bố sau 30 giây hay vài phút. Nếu kết quả đúng, người dùng sẽ nhận được tiền sau khi trả phí cho sàn (khoảng 25%). Nếu sai sẽ mất toàn bộ.

Đây là kiểu đầu tư “quyền chọn nhị phân” (BO – Binary Options). Hình thức này tuy đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và nếu có thì thường chỉ được sử dụng ở những sàn giao dịch uy tín. Theo các chuyên gia, thời gian 30 giây là bất khả thi trong việc dự đoán thị trường. Ngoài ra, khi đầu tư trên các ứng dụng không tên tuổi, kết quả có thể bị làm giả. Và việc đầu tư này tương tự trò đánh bạc tài xỉu với phần thiệt luôn là người dùng.

Kết luận

Trên đây là một số chia sẻ từ Mắt Bão để giúp người dùng cảnh giác hơn khi nghe những lời đường mật từ thủ đoạn lừa đảo qua App điện thoại. Tất cả đều đánh mạnh vào tâm lý muốn kiếm tiền của người dùng nhẹ dạ. Và dần dần sa vào bẫy các đối tượng lừa đảo. Cho nên ngoài những dấu hiệu kể trên, người dùng cần phải:

• Tìm hiểu nguồn gốc của các ứng dụng đầu tư khi quyết định tham gia

• Không nhẹ dạ cả tin trong việc cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển khoản tiền tệ

• Kiên quyết từ chối các hình thức “mã giới thiệu”, “mã mời thành viên”, v.v. Là dấu hiệu dễ nhận thấy của hình thức đa cấp.

Hãy theo dõi các bài viết chủ đề Phòng chống tấn công mạng tại Wiki Mắt Bão của chúng tôi. Vì một thế giới sử dụng Internet văn minh và lành mạnh.

Nguồn: Mắt Bão tổng hợp






Bài viết liên quan